Luật Kinh doanh bất động sản quy định tổ chức, cá nhân khi mua bán nhà đất phải ghi đúng giá giao dịch thực tế trong hợp đồng. Đây là cơ sở quan trọng nhằm hạn chế tình trạng bất động sản 2 giá.
Tồn tại thực tế mua bán bất động sản 2 giá
Thời gian qua, thị trường bất động sản vẫn tồn tại một luật "bất thành văn" là việc bán nhà đất ghi 2 giá. Theo đó, người bán và người mua sẽ thỏa thuận ngầm với nhau để ghi giá bán trên hợp đồng thấp hơn giá bán thực tế. Mục đích nhằm hạn chế các khoản như thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ…
Anh Trần Minh Tâm (môi giới bất động sản) cho biết những năm trước, việc khách hàng của anh tự thỏa thuận ghi giá hợp đồng thấp hơn giá trị chuyển nhượng khi đi công chứng giấy tờ là việc nhiều như cơm bữa. Nhiều trường hợp người bán và người mua tự thương lượng với nhau. Ví dụ, trường hợp khách hàng ở quận 12 (TP.HCM) chuyển nhượng lô đất giá 5 tỷ nhưng ghi vào hợp đồng chỉ 3,5 tỷ để giảm bớt thuế.
"Thật ra, điều này cũng có rất nhiều rủi ro. Giá trị nhà đất trên hợp đồng được thể hiện thấp hơn so với số tiền thực tế người mua đã bỏ ra nên nếu phát sinh tranh chấp phải kiện ra tòa thì sẽ khó đảm bảo quyền lợi. Người bán rất khó để đòi nhà đất đúng giá trị thực tế còn người mua cũng không thể chứng minh số tiền thực tế mà họ đã trả, nhất là khi không lập thành văn bản hoặc giao tiền mặt. Bên cạnh đó, sự việc bị phanh phui thì khả năng người bán, người mua phải đối mặt với trách nhiệm về pháp lý khi thực hiện hành vi trốn thuế", anh Tâm cho hay.

Trước đây, nhiều trường hợp người mua và người bán bất động sản tự làm giá với nhau. Ảnh: Gia Linh
Tuy nhiên, từ 1/8, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực đã siết chặt quản lý về hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản ghi đúng giá giao dịch thực tế trong hợp đồng đồng thời chịu trách nhiệm nếu giá giao dịch trong hợp đồng không đúng với giá giao dịch thực tế.